Trước đó, ông Bình sốt cao, đau nhức, mệt mỏi, tự mua thuốc uống không bớt, bác sĩ bệnh viện tỉnh chẩn đoán sốt xuất huyết trên nền bệnh suy tim, rung nhĩ mạn tính. Sau đó, người nhà đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Ngày 19/9, BS.CKII Nguyễn Thành Tín, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Bình từng được thay hai lá van tim, đang dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, thuốc kháng đông. Những trường hợp sốt xuất huyết có cơ địa suy tim, rung nhĩ, bệnh van tim thường có nguy cơ xuất huyết nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Huyết áp của ông Bình thấp, mạch còn rõ, tuy nhiên nguy cơ diễn tiến nặng nên bác sĩ gắn catheter động mạch quay để theo dõi huyết áp liên tục, tránh tình trạng choáng. Các bác sĩ tạm thời giữ huyết áp của người bệnh ở mức cao hơn để đủ tưới máu cho các cơ quan, đồng thời chuyển thuốc kháng đông đường uống thành thuốc tiêm dưới da nhằm giảm nguy cơ xuất huyết. Êkíp theo dõi sát tiểu cầu để điều chỉnh kịp thời ngay khi cần thiết.
Hai ngày sau, bệnh nhân bớt sốt nhưng còn mệt, tiểu cầu xu hướng giảm, chưa có dấu hiệu chảy máu, huyết áp tạm ổn, được dùng thuốc giảm nguy cơ chảy máu. "Với tình trạng tiểu cầu vẫn còn giảm sâu do sốt xuất huyết thì nguy cơ bệnh nhân xuất huyết rất cao", bác sĩ Tín nói. Bệnh nhân phải tạm ngưng tất cả thuốc kháng đông, thường xuyên xét nghiệm máu kiểm tra tiểu cầu, chức năng đông máu, theo dõi triệu chứng xuất huyết và tim mạch.
Sau 5 ngày, bệnh nhân hết sốt, khỏe hơn, mạch và huyết áp ổn, tiểu cầu tăng nhẹ trở lại, không có dấu hiệu xuất huyết, dùng thuốc tim mạch và thuốc kháng đông tiêm dưới da. Hai ngày sau, ông hồi phục tốt, tiểu cầu bình thường. Bác sĩ cho bệnh nhân dùng lại các thuốc trước đó và tái khám theo lịch hẹn.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho ông Bình trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm thường gặp do virus Dengue gây ra. Có 4 type virus sốt xuất huyết nên một người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Người bị nhiễm lần thứ hai triệu chứng có thể nặng hơn so với lần nhiễm đầu tiên.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Đơn vị Bệnh truyền nhiễm, khoa Nội Tổng Hợp, cho biết người bị sốt xuất huyết trên nền tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim gia tăng nguy cơ rối loạn huyết động do tình trạng cô đặc máu, từ đó tụt huyết áp, suy tim nặng hơn. Virus sốt xuất huyết có thể tấn công trực tiếp vào tim gây viêm cơ tim, sốc tim, nguy cơ tử vong cao. Người thay van tim, đặt stent mạch vành phải dùng thuốc kháng đông, kháng kết tập tiểu cầu thường xuyên có thể làm nặng thêm tình trạng chảy máu do sốt xuất huyết gây ra.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường tăng cao vào mùa mưa, với triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức người, một số tiến triển thành bệnh nặng. Khi nghi ngờ bản thân có triệu chứng sốt xuất huyết, người bệnh cần đi khám để điều trị sớm.
Lê Châu
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp