Những điều cần biết về hormone sinh sản LH

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Hiếm Muộn Sức Khỏe Vô Sinh Hiếm Muộn
Những điều cần biết về hormone sinh sản LH

Hormone luteinizing là gì?

LH là một trong những hormone do tuyến yên sản xuất. Suốt chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, hormone này được tiết ra ở mức rất thấp. Khi nang trứng phát triển đạt đến kích thước nhất định, thường là vào khoảng giữa chu kỳ, lượng LH tăng vọt. Sự gia tăng hormone này chính là nguyên nhân gây rụng trứng khoảng 24-36 giờ sau đó.

Tại sao LH quan trọng?

Sự gia tăng LH là khởi đầu cho quá trình rụng trứng, tức giải phóng một quả trứng trưởng thành khỏi buồng trứng. Rụng trứng báo hiệu sự bắt đầu của "cửa sổ thụ thai", tức thời kỳ dễ thụ thai nhất của phụ nữ. Với những cặp vợ chồng đang cố gắng có con, đây là thời điểm tốt nhất để quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai.

Trứng rụng chỉ có thể tồn tại trong khoảng 24 giờ để thụ tinh với tinh trùng. Qua thời gian này, "cửa sổ thụ thai" cũng kết thúc. Do đó, xác định chính xác thời điểm thuận lợi để thụ thai rất quan trọng.

Sau khi trứng được giải phóng, nang rỗng trên buồng trứng sẽ chuyển thành một cấu trúc được gọi là thể vàng, bắt đầu tiết ra progesterone. Progesterone là loại hormone cần thiết để hỗ trợ khả năng mang thai. Nếu không đậu thai, thể vàng sẽ co lại, ngăn chặn quá trình tiết progesterone và kích hoạt sự bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt.

Kiểm tra sự gia tăng của LH giúp xác định đúng thời điểm quan hệ để sớm có thai. Ảnh: Ngọc Phạm

Phát hiện sự gia tăng LH như thế nào?

Nhiều phụ nữ phát hiện sự gia tăng LH rất dễ dàng bằng cách sử dụng bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng (OPK). Những bộ dụng cụ này có thể mua trực tuyến và ở hầu hết các hiệu thuốc.

Chúng hoạt động tương tự que thử thai, vì đo nồng độ hormone trong nước tiểu. Kết quả dương tính cho thấy một lượng LH cao hoặc gia tăng. Lượng hormone trong cơ thể bắt đầu giảm sau khi rụng trứng, vì vậy kết quả dương tính chỉ có thể nhận được trong thời kỳ dễ thụ thai.

Nếu gặp khó khăn khi sử dụng OPK, phụ nữ có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện một số xét nghiệm máu để xác định thời điểm rụng trứng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị siêu âm qua ngã âm đạo để quan sát buồng trứng và xem nang trứng đang phát triển như thế nào.

Bao lâu nên kiểm tra mức LH ?

Không cần thiết phải kiểm tra nồng độ LH hằng ngày hoặc nhiều lần trong ngày cho đến khi có kết quả dương tính. Rụng trứng thường xảy ra khoảng 14 ngày trước kỳ kinh nguyệt. Mức LH tăng đột biến một hoặc hai ngày trước đó. Vì vậy, hãy theo dõi chu kỳ kinh và xác định thời điểm nên kiểm tra mức hormone sinh sản.

Ví dụ, chu kỳ của bạn là 32 ngày thì rụng trứng có khả năng xảy ra vào khoảng ngày thứ 18. Bạn sẽ nhận được kết quả dương tính trên OPK một hoặc hai ngày trước đó, vào ngày 16 hoặc 17. Bạn nên bắt đầu kiểm tra mức LH hằng ngày (hoặc cách ngày) vào buổi sáng vài ngày trước đó, khoảng ngày thứ 13 của chu kỳ. Điều này nhằm mục đích đạt kết quả dương tính, trong trường hợp chu kỳ ngắn hơn trong tháng đó.

Khi có kết quả dương tính, hầu hết các chuyên gia khuyến khích nên quan hệ tình dục 2-3 lần trong vòng 24 đến 48 giờ tiếp theo để tối đa tỷ lệ đậu thai.

Trường hợp phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều thường khó xác định thời điểm rụng trứng. Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể không sử dụng được xét nghiệm này vì mức LH liên tục tăng cao, khiến OPK luôn hiển thị kết quả dương tính dù đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ. Những phụ nữ sắp mãn kinh cũng có thể mức LH liên tục tăng cao.

Vợ chồng quan hệ đều đặn vào thời điểm rụng trứng mỗi tháng nhưng không có thai sau 6 tháng (nếu vợ trên 35 tuổi) đến một năm (nếu vợ dưới 35 tuổi) nên sớm đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản. Từ đó, bác sĩ kịp thời phát hiện bất thường, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị để vợ chồng có con.

Anh Ngọc (Theo Healthline)

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật