Dấu hiệu bất thường ở bàn chân cảnh báo bệnh tật

16/01/2025
|
0 lượt xem
Sống Khỏe Sức Khỏe
Dấu hiệu bất thường ở bàn chân cảnh báo bệnh tật

Các bác sĩ chuyên khoa có thể phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng chỉ bằng cách quan sát bàn chân.

"Bác sĩ chuyên khoa chân không chỉ xử lý các vấn đề như móng chân mọc ngược, chai chân và mụn cóc. Ngoài việc thực hiện tiểu phẫu, ngăn ngừa cắt cụt chi và kê đơn thuốc như kháng sinh, họ có thể phát hiện nhiều vấn đề sức khỏe thông qua các dấu hiệu ở bàn chân", Emma McConnachie, người phát ngôn của Đại học Chuyên khoa Chân Hoàng gia, nhấn mạnh.

Vấn đề tuần hoàn

Bàn chân, mắt cá chân sưng, phù nề; màu da loang lổ có thể là dấu hiệu của các bệnh tuần hoàn. Những thay đổi này xảy ra ở một bên chân hoặc cả hai. Các chuyên gia khuyến nghị liên hệ với các bác sĩ nếu quan sát thấy các điểm bất thường nêu trên.

Bên cạnh đó, người gặp vấn đề tuần hoàn thường có bàn chân lạnh hơn vào mùa đông, khi nhiệt độ giảm. Vì vậy mọi người cần đảm bảo giữ ấm toàn bộ cơ thể, nhất là phân thân dưới bằng các loại quần áo ấm. Nhiều bệnh lý tuần hoàn khác cũng có thể gây ra thay đổi nhiệt độ chi dưới. Vì vậy, nếu nhận thấy các thay đổi đột ngột và kéo dài về nhiệt độ ở cả hai chân, bạn có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa hoặc đa khoa.

Bệnh tim, tiểu đường hoặc các bệnh lý thần kinh

Thay đổi cảm giác ở bàn chân, chẳng hạn như ngứa ran hoặc tê bì, có thể là dấu hiệu của bệnh tim hoặc tiểu đường. Tình trạng này cũng bắt nguồn từ thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu. Việc nạp nicotine hoặc cồn vào người khiến các đầu dây thần kinh hoạt động bất thường. Các cảm giác bất thường khiến mọi người không biết mình có vết thương, lở loét, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và cắt cụt chi.

Các bệnh lý thần kinh và chấn thương cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của dây thần kinh. Bác sĩ khuyến nghị ghi nhớ vị trí trên bàn chân có những thay đổi, mô tả cảm giác và tần suất với bác sĩ. Điều này có thể tăng tỷ lệ chẩn đoán chính xác.

Bàn chân báo hiệu nhiều loại bệnh lý. Ảnh: Pexel

U hắc tố

Nhiều trường hợp móng đổi màu là do nhiễm nấm hoặc chấn thương khiến một lượng nhỏ máu tụ dưới móng. Tuy nhiên, u hắc tố cũng có thể gây ra tình trạng này. U hắc tố dưới móng chiếm tới 3,5% tổng số ca trên toàn thế giới, 90% xuất hiện ở ngón tay hoặc ngón chân cái. U hắc tố có thể ảnh hưởng đến người dân ở tất cả sắc tộc, màu da, thường xuất hiện dưới dạng màu sẫm hơn dưới móng, không mọc ra cùng móng.

Móng chân mất trung bình 6 tháng để mọc dài. Điều này khiến việc nhận biết các vết thâm là ở dưới móng hay trên móng trở nên khó khăn. Các chuyên gia khuyến nghị bạn nên gặp bác sĩ nếu thấy triệu chứng này.

Các bệnh lý thần kinh

Bàn chân cong hơn có thể báo hiệu vấn đề thần kinh, chẳng hạn đột quỵ. Các bệnh lý gây mất cảm giác ở bàn chân, chẳng hạn tiểu đường, cũng có thể khiến hình dạng chân thay đổi, gọi là bàn chân Charcot.

Biến dạng bàn chân Charcot do đái tháo đường được biết đến với sự tổn thương của dây thần kinh của người bệnh, như dây thần kinh ngoại biên di truyền Charcot-Marie-Tooth. Người bệnh nhiều khả năng xuất hiện các biến chứng khác liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh thiếu máu cơ tim hoặc các bệnh liên quan đến mạch máu não.

Thục Linh (Theo Independent)

Tin liên quan
Tin Nổi bật