Con tôi học lớp 1 sĩ số 60 học sinh

29/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Con tôi học lớp 1 sĩ số 60 học sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, trong đó yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số không quá 35 em một lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Thực tế, nhiều năm qua, nhiều trường tại Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh trong một lớp. Có một số trường tiểu học công lập ở quận Hà Đông lứa con gái lớn của tôi, mỗi lớp phải xếp đến 60-68 học sinh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.

Tôi còn nhớ hồi con tôi vào lớp 1, học trường tiểu học công lập theo đúng hộ khẩu, tôi nộp hồ sơ cho con và chờ nhà trường xếp lớp cho con. Trong khi đó, một số phụ huynh khác chủ động đi liên hệ xin Ban Giám hiệu cho con mình được xếp vào lớp có cô giáo dạy giỏi nhất khối 1. Kết quả là lớp đó có sĩ số gần 70 học sinh. Còn lớp con tôi là lớp do nhà trường tự xếp, không phải lớp có giáo viên làm trưởng khối 1, nên sĩ số ít nhất khối, nhưng cũng là 60 học sinh.

Tôi cứ tự hỏi, không hiểu khi cô giáo phải dạy lớp đông học sinh như thế, làm sao có thời gian để quan tâm từng em? Một tiết học của học sinh tiểu học lại rất ngắn, các em không tập trung học, không viết bài thì chắc cô giáo cũng không thể quản được hết. Chỉ có em học sinh nào ngoan, chăm học, không cần cô giáo nhắc thì mới học tốt. Còn em nào lười, mải chơi, không tập trung học thì giáo viên cũng không thể kèm cặp được vì lớp quá đông.

May mắn là con tôi thi đỗ vào trường cấp hai công lập với sĩ số một lớp chỉ còn 45 học sinh, không đông như thời cấp một. Lên cấp ba, con tôi học trường công lập với sĩ số 42 học sinh. Dù vậy, tôi cũng cảm thấy quá lý tưởng, chứ không dám mơ đến con số 35 như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến khi con gái thứ hai học tiểu học, tôi không cho con học công lập nữa mà học trường tư với sĩ số quy định không quá 25 học sinh một lớp. Thực tế, lớp con tôi chỉ có 20 em. Ngoài ra, nhà trường còn phân công mỗi lớp có hẳn hai giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp. Vì thế, giáo viên có thời gian quan tâm đến học sinh nhiều hơn so với trường công lập. Tất cả hoạt động học tập, vui chơi của học sinh trên lớp đều được hai giáo viên cập nhật kịp thời đến phụ huynh.

>> 'Không thể bắt học sinh Hà Nội đi 20 km để được học trường công lập'

Bản thân tôi cũng là một giảng viên đi dạy thỉnh giảng ở một số trường đại học công lập, thấy tình trạng nhà trường luôn xếp lớp với sĩ số khoảng 60 sinh viên một lớp để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, tôi đi dạy ở trường tư thì một lớp chỉ có từ khoảng 30-35 sinh viên. Quả thực là, khi dạy một lớp đông đến 60 em thì cả cô và học trò đều cảm thấy ngột ngạt, khó thở, chỉ cần mỗi bạn nói chuyện một câu là lớp ồn ào, giảng viên không thể kiểm tra từng em, không thể luyện cho từng người, sinh viên không thể tập trung học...

Sinh viên quá đông nên tôi không thể nhớ hết tên các em, không nhớ hết mặt các em, chưa nói đến việc đánh giá, sát sao phát hiện những yếu điểm của sinh viên để uốn nắn. Nhiều khi tôi biết em này, em kia còn kém kỹ năng nào đó nhưng "lực bất tòng tâm" vì không thể kèm cho từng em. Riêng việc giảng viên nhắc sinh viên giữ trật tự để học bài đã mất khá nhiều thời gian. Làm gì có thời gian để gọi từng em kiểm tra kiến thức.

Đặc biệt, tôi dạy môn tiếng Trung, muốn toàn bộ sinh viên trong lớp luyện nói là điều không thể, chưa nói đến việc luyện kỹ năng nghe, dạy ngữ pháp cho sinh viên. Bên cạnh đó, trình độ các em không tương đương, có em nổi bật nhưng có em yếu hơn, cần kèm thêm nhưng giảng viên không đủ thời gian. Dạy lớp quá đông như thế, giảng viên cũng mất hứng dạy, sinh viên cũng mất hứng học, chất lượng dạy và học thấp.

Trong khi đó, sĩ số ở trường tư tôi đang dạy chỉ có 32 em sinh viên. Số lượng sinh viên vừa phải, cả giảng viên và sinh viên đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu, có hứng thú học tập. Tôi cũng có thời gian để kèm các em nhiều hơn, có thời gian tương tác với sinh viên nhiều hơn.

Với số trường học quá ít so với số học sinh hiện nay, diện tích phòng học nhỏ, các dãy bàn chật kín cả lối đi, gây khó khăn cho việc dạy và học. Lớp đông, giáo viên cũng không thể kiểm soát và uốn nắn kịp thời từng học sinh trên lớp. Các trường công lập ở Hà Nội đều đa số như vậy, làm sao có thể thực hiện quy định 35 học sinh một lớp? Thế nên, bao năm qua, quy định là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác.

Đối với quy định năm học tới, bậc tiểu học không được xếp quá 35 học sinh một lớp, tôi cho rằng, yêu cầu này gần như bất khả thi ở Hà Nội ở thời điểm hiện tại và sẽ chỉ là ước mơ của cả giáo viên và phụ huynh. Theo tôi, việc giảm sĩ số học sinh cần có lộ trình cụ thể mới có thể thực hiện được. Bởi lẽ, hiện nay, phòng học có hạn, giáo viên không tăng, thậm chí còn bị tinh giản biên chế, sĩ số lớp học lớn khiến giáo viên rất áp lực vì quá nhiều "đầu" công việc phải triển khai ngoài việc làm chuyên môn.

Ngoài ra, quỹ đất Hà Nội có hạn, trong dân cư càng ngày càng tăng, việc giảm sĩ số một lớp học là quá khó. Tôi chỉ mong thành phố có thể dành thêm quỹ đất cho giáo dục để đạt sĩ số lý tưởng như theo quy định. Là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước ở nhiều cấp học, không chỉ quận Hà Đông mà các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... hằng năm cũng chịu áp lực rất lớn về tuyển sinh đầu cấp do tăng dân số cơ học. Nhiều năm trở lại đây, các quận đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm phòng học, tách trường, tuy nhiên sĩ số lớp học giảm chưa đáng kể.

Thiết nghĩ, một số giải pháp để đảm bảo sĩ số học sinh một lớp trong thời gian tới, có thể kể ra như: rà soát, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học; đẩy nhanh xây dựng trường lớp; tăng cường đầu tư kinh phí để xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô trường, phòng học; tổ chức điều tra chính xác số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, làm cơ sở để tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp; đầu tư toàn diện để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có chính sách để hỗ trợ trường ngoài công lập phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, vừa giảm áp lực cho các trường công lập trong công tác tuyển sinh; đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường nghề để học sinh sau khi được đào tạo có việc làm, thu nhập tốt sẽ thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh....

Vũ Thị Minh Huyền

Tôi bằng lòng nếu con thi trượt lớp 10 công lập Nặng nề tư tưởng phải đỗ lớp 10 công lập Tranh suất vào lớp 10 công lập vì sợ con hư Giáo viên thâm niên 17 năm nhưng lương 4,2 triệu đồng Giáo viên tư vấn kiểu 'bàn lùi' trước kỳ thi vào lớp 10 Tôi mong giáo viên biết thương chính mình Tôi bằng lòng nếu con thi trượt lớp 10 công lập Nặng nề tư tưởng phải đỗ lớp 10 công lập Tranh suất vào lớp 10 công lập vì sợ con hư Giáo viên thâm niên 17 năm nhưng lương 4,2 triệu đồng Giáo viên tư vấn kiểu 'bàn lùi' trước kỳ thi vào lớp 10 Tôi mong giáo viên biết thương chính mình
Tin liên quan
Tin Nổi bật