Anh Tiến, Việt kiều Mỹ, bị suy thận mạn giai đoạn cuối một năm trước, sau thời gian chạy thận nhân tạo chuyển qua lọc màng bụng tại nhà. Đây là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc chất chuyển hóa, nước, điện giải ra khỏi cơ thể. Tháng 8 năm nay, anh từ Mỹ về Việt Nam, lọc thận thất thường, không uống đủ thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Một tuần trước nhập viện, anh mệt nhiều, khó thở, ăn uống kém.
Ngày 3/10, ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, Trưởng đơn vị Bệnh van tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh mắc hội chứng urê huyết cao gây biến chứng tràn dịch màng tim lượng nhiều, dẫn đến chèn ép tim, suy hô hấp, chức năng thận kém.
Bác sĩ Thư giải thích hội chứng urê huyết cao (hội chứng tăng urê máu) là tình trạng phát sinh từ chức năng thận bị suy giảm, khiến thận không thể lọc hiệu quả các chất thải từ máu. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh gây phù phổi, viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim, vôi hóa van tim, rối loạn điện giải, hôn mê, đột quỵ...
Anh Tiến được hỗ trợ thở oxy, sau một giờ chọc hút ra 1,2 lít dịch ngoài màng tim. Bình thường ở giữa hai lớp của màng ngoài tim có chứa khoảng 10-15 ml dịch. Tràn dịch màng tim xảy ra khi có quá nhiều dịch tích tụ giữa hai lớp này, ảnh hưởng đến chức năng của tim. Màng tim tích tụ 1-1,5 lít dịch có thể chèn ép tim nguy hiểm. Theo bác sĩ Thư, trường hợp màng tim chứa hơn một lít dịch như anh Tiến ít gặp. "Nếu cấp cứu chậm một vài ngày, bệnh nhân dễ bị nguy cơ sốc tim do tim bị chèn ép nghiêm trọng, ngưng tim dẫn tới tử vong", bác sĩ Thư nói.
Bác sĩ Thư chọc hút dịch màng ngoài tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Sau một ngày lọc máu liên tục, chức năng thận cải thiện, bác sĩ chuyển bệnh nhân sang chạy thận ngắt quãng, đồng thời theo dõi sát huyết áp, dịch màng tim. BS.CKI Đỗ Vũ Ngọc Anh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn cho người bệnh tiếp tục chạy thận nhân tạo định kỳ, uống thuốc kháng viêm, tái khám đúng lịch. Bác sĩ cũng khuyên anh Tiến tầm soát các nguyên nhân có thể gây tràn dịch màng tim gồm bệnh lý tự miễn, bệnh lao và ung thư.
Bác sĩ Ngọc Anh khám cho bệnh nhân tại phòng Nội trú tim mạch. Ảnh: Hạ Vũ
Theo bác sĩ Ngọc Anh, có nhiều nguyên nhân gây tràn dịch màng tim. Trong đó phổ biến nhất là rối loạn tự miễn (như viêm khớp dạng thấp hay lupus), ung thư di căn, tăng urê máu do suy thận, suy giáp, nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng, chấn thương hoặc có vết thương sâu ở gần tim.
Tràn dịch màng ngoài tim không thể phòng ngừa, nhưng có thể giảm rủi ro mắc bệnh bằng cách điều trị tích cực các bệnh nhiễm trùng, kiểm soát suy thận mạn bằng thuốc, chạy thận nhân tạo, tầm soát để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư. Người tham gia các hoạt động thể thao có nguy cơ chấn thương vùng ngực như bóng đá, bóng chuyền, tennis... nên mang thiết bị bảo hộ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp