6 cách giúp sản phụ nhanh hồi phục sau sinh mổ

21/01/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
6 cách giúp sản phụ nhanh hồi phục sau sinh mổ

Sinh mổ là phẫu thuật được chỉ định có lý do y khoa do tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé. Thời gian sản phụ hồi phục sau sinh lâu hơn so với sinh thường.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hương Giang, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sau sinh mổ, cơ thể người mẹ cần ít nhất 6-8 tuần mới có thể phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, chăm sóc sau sinh đúng cách có thể rút ngắn thời gian này, giảm nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Chăm sóc vết mổ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sản phụ giữ vết mổ sạch, khô, thông thoáng, tránh chạm tay vào vết mổ hoặc ngâm mình trong bồn tắm để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Khi vết mổ khô, người mẹ có thể tắm gội trong tư thế đứng dưới vòi hoa sen. Lưu ý tắm gội nhanh, sấy khô tóc để tránh nhiễm lạnh.

Sau khi tắm nên dùng bông gòn sạch thấm khô vết mổ, vệ sinh bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch nước sát khuẩn betadine. Phụ nữ băng vết thương dạng xịt tạo màng sinh học để ngăn nhiễm trùng. Không nên tự ý tháo băng vết thương, hạn chế gãi nhiều tại vùng da quanh vết mổ tránh trầy xước.

Sản phụ nên dùng gối sạch đặt nhẹ lên vết mổ mỗi khi ho, hắt hơi hay cười. Chỉ tự tiêu sẽ tự hủy trong khoảng 7-10 ngày. Nếu khâu bằng chỉ không tiêu, sản phụ cần được rút chỉ vào khoảng ngày thứ 8 sau sinh. Nếu dán keo sinh học thay khâu vết thương ngoài da, sản phụ không cần thay băng, có thể tắm rửa thoải mái.

Sau khi vết mổ liền hẳn, mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại dầu, kem bôi, massage nhẹ nhàng để ngăn ngừa sẹo, giảm ngứa. Cách này cũng giảm tình trạng căng cứng, hỗ trợ lưu thông máu, giúp cơ bụng hồi phục nhanh.

Giảm đau bằng cách dùng đệm sưởi hoặc khăn sạch ủ ấm đặt lên bụng để bớt khó chịu ở vết mổ. Trường hợp cần thiết nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dùng thuốc giảm đau không kê đơn phù hợp với người mẹ cho con bú. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng là cách giảm đau sau sinh mổ an toàn.

Dùng băng vệ sinh thấm hút sản dịch, thay 1-2 tiếng mỗi lần. Vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch lành tính, tránh dùng các loại thụt rửa để ngăn ngừa nhiễm trùng. Dành thời gian nghỉ ngơi, cố gắng ngủ đủ 8-10 tiếng mỗi ngày. Sau sinh, người mẹ nên tranh thủ ngủ khi bé ngủ hoặc nhờ người thân hỗ trợ. Nằm nghiêng sau mổ giúp giảm cảm giác đau do co thắt tử cung.

Lưu ý sấy tóc khô sau sinh để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể mau phục hồi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Vận động nhẹ nhàng như xoay người, trở mình, đi bộ chậm có tác dụng đẩy sản dịch ra ngoài, tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc dính ruột. Tránh các hoạt động mạnh yêu cầu gắng sức, nâng vác vật nặng có thể khiến vết thương căng ra, gây bục, rách vết mổ. Tránh leo cầu thang nhiều để giảm áp lực lên vùng bụng. Khi vết mổ lành, hãy thử tập yoga, kegel để phục hồi cơ sàn chậu, nên bắt đầu từ từ, dừng lại khi có cảm giác đau.

Ăn đủ dinh dưỡng, uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày thúc đẩy nhanh quá trình chữa lành vết mổ, duy trì mức năng lượng trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Trong những giờ đầu sau mổ, sản phụ chỉ nên uống nước lọc hoặc ăn thức ăn dạng lỏng như cháo loãng. Sau khi trung tiện (xì hơi), sản phụ có thể dùng thức ăn đặc hơn, sau đó chuyển dần sang chế độ ăn uống bình thường.

Chế độ dinh dưỡng bổ sung đa dạng 4 nhóm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Tăng cường thực phẩm giàu canxi, đạm, vitamin, một số yếu tố vi lượng như sắt, kẽm, đồng... Bổ sung chất xơ và lợi khuẩn từ sữa chua hỗ trợ tiêu hóa tốt, giảm căng thẳng ở ruột và táo bón.

Thực phẩm cần đảm bảo an toàn chất lượng, nấu chín, hợp vệ sinh. Không ăn đồ sống để tránh bị ngộ độc hoặc gặp vấn đề tiêu hóa. Hạn chế dùng sản phẩm chứa chất kích thích như cà phê, bia rượu, nước tăng lực, nước ngọt... Thức ăn nhiều đường, dầu mỡ, các loại gia vị ớt, tiêu... cần tránh do dễ gây đầy hơi, chướng bụng.

Tránh quan hệ tình dục sau sinh mổ khoảng 6 tuần để cơ thể hồi phục hoàn toàn. Chú ý tham khảo các biện pháp tránh thai phù hợp trước ái ân. Giữ tư thế đúng khi cho con bú nhằm giảm áp lực lên vết thương. Nằm nghiêng một bên, kê một chiếc gối ở phía sau lưng và dùng gối đỡ lưng bé khi bú vừa giảm đau sau mổ, vừa giúp bé bú đúng khớp ngậm.

Dành thời gian thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách... Theo bác sĩ Hương Giang, những thay đổi về hormone sau sinh khiến khoảng 15% sản phụ có thể mắc hội chứng "baby blues". Đây hội chứng xảy ra một khoảng thời gian ngắn sau khi sinh dễ dẫn đến lo âu, trầm cảm. Nếu cảm thấy áp lực hoặc tâm lý không ổn định, phụ nữ nên chia sẻ với người thân hoặc tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Người thân trong gia đình cũng nên lưu ý sức khỏe tinh thần của phụ nữ mới sinh.

Theo dõi sức khỏe và tái khám hậu sản sau khoảng 6 tuần. Trường hợp xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, sưng, nóng đỏ, đau nhiều quanh vết mổ hoặc vết thương tiết dịch, xuất huyết âm đạo nặng, khó thở, đau ngực... cần đến bệnh viện ngay.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật